Các chiến dịch ban đầu Chiến_tranh_Mông_Cổ_-_Cao_Ly

Vào năm 1225, dưới triều vua Cao Tông (trị vì từ 1213-1259), vị vua thứ 23 của nhà Cao Ly, Đế quốc Mông Cổ gởi sứ giả đến Cao Ly yêu cầu cống nộp nhưng Cao Ly từ chối, đồng thời còn giết chết sứ giả của Mông Cổ là Trứ Cốc Dư (Chu-ku-yu - 箸告與).

Lấy cớ đó, năm 1231, Đại Hãn Oa Khoát Đài hạ lệnh xâm lược Cao Ly như là một phần của chiến dịch chiếm Trung Hoa. Quân Mông Cổ thiện chiến được đặt dưới sự chỉ huy của tướng Tát Lễ Tháp (Saritai - 撒禮塔) đã vượt sông sông Áp Lục (Aprok hay Yalu, 압록, 鴨綠) và nhanh chóng nhận được sự quy hàng của thị trấn vùng biên Nghĩa Châu (Uiju, 의주, 義州). Thừa tướng Thôi Vũ (Choe U, 최우, 崔瑀) ra lệnh tổng động viên để tăng cường quân lực, chủ yếu gồm bộ binh để chống đỡ quyết liệt với quân Mông Cổ ở An Châu (Anju, 안주, 安州) và Quy Thành (Guseong, 구성, 龜城) nhưng cuối cùng cũng để mất An Châu vào tay quân Mông Cổ.

Trong trận tấn công Quy Thành, Tát Lễ Tháp dàn trận bằng một loạt các loại vũ khí công thành hòng bẻ gãy sự phòng thủ của quân Cao Ly. Hàng dãy các loại máy bắn đá và kim loại nóng chảy vào tường thành. Triển khai các toán quân đột kích vào thành dùng các tháp công thành và thang leo. Quân Mông Cổ còn dùng xe bò đốt lửa tông thẳng vào cổng thành bằng gỗ và đào đường hầm luồn qua tường thành. Tuy nhiên, loại vũ khí khủng khiếp nhất được sử dụng trong trận chiến này phải kể đến là bom lửa có chứa mỡ người được nấu chảy và đun sôi. Mặc dù thực tế quân Mông Cổ đông hơn gấp bội nhưng sau hơn 30 ngày công thành dữ dội vẫn không buộc được quân Cao Ly đầu hàng nên quân Mông Cổ đã phải rút lui bỏ lại các xác chết còn treo lơ lửng trên tường thành. Sau trận chiến, một vị lão tướng Mông Cổ đã phải thốt lên "...Ta chưa từng chứng kiến [thành nào] chịu sự tấn công như vậy mà cuối cùng lại không qui phục"[2].

Nản lòng vì thất bại trong trận công thành, Tát Lễ Tháp đổi chiến thuật, dùng lực lượng cơ động tinh nhuệ vượt qua tuyến đầu của quân Cao Ly, và chiếm được kinh đô Khai Thành (Gaeseong, 개성, 開城). Các toán quân Mông Cổ còn tiến đến tận Trung Châu (Chungju, 충주, 忠州) thuộc miền trung bán đảo Triều Tiên. Khi quân Mông Cổ vào Trung Châu, các tướng chỉ huy quân Cao Ly bỏ chạy, nhưng nhà sư Ubon cùng Trì Quang Thủ (Ji Gwang-su, 지광수, 池光守) đã tập hợp dân quân chiến đấu và đánh tan quân Mông.[3][4]

Với sự thất thủ kinh đô Khai Thành, quân Cao Ly nhận thấy không thể tiếp tục chiến đấu chống lại quân Mông Cổ nên xin nghị hòa và phải cống nạp cho người Mông Cổ 10.000 bộ da rái cá, 20.000 con ngựa, 10.000 súc lụa, quần áo cho 1 triệu binh sĩ cùng với rất nhiều trẻ em, thợ thủ công để làm nô lệ và đầy tớ cho đế chế Mông Cổ. Tướng Tát Lễ Tháp bắt đầu rút đại quân lên miền bắc vào mùa xuân năm 1232, để lại 72 quan chức cai trị người Mông Cổ, đóng ở nhiều tỉnh thành khác nhau ở vùng tây bắc bán đảo Triều Tiên để đảm bảo Cao Ly tuân thủ các điều khoản nghị hòa[2].

Năm 1232, bất chấp lời thỉnh cầu của vua Cao Tông (Gojong, 고종, 高宗) và các lão thần trong triều, Thôi Vũ ra lệnh cho toàn thể vua quan trong triều và phần lớn cư dân Khai Thành di dời đến đảo Giang Hoa (Ganghwa, 강화, 江華) nằm trong vịnh Kinh Kỳ (Kyŏnggi, 경기, 京畿). Ông cho xây dựng nhiều tuyến phòng thủ quan trọng để chuẩn bị đối phó mối đe dọa từ người Mông Cổ. Thôi Vũ khai thác điểm yếu cơ bản của quân Mông Cổ là sợ biển. Triều đình trưng dụng toàn bộ các loại tàu thuyền sẵn có để vận chuyển quân nhu và binh sĩ ra đảo Giang Hoa. Cuộc di tản quá đột ngột đến nỗi ngay bản thân vua Cao Tông cũng phải nghỉ đêm tại một thôn điếm trên đảo. Triều đình còn ra lệnh cho dân chúng ở các thành thị và cửa ải quan trọng hay ở gần ngoài khơi các hòn đảo thu dọn nhà cửa trốn về miền quê. Bản thân đảo Giang Hoa đã là một pháo đài phòng thủ vững chắc cộng thêm một số pháo đài nhỏ hơn được xây dựng trên đảo phía hướng về đất liền và một bức tường kép được xây dựng băng ngang dãy núi Văn Thù (Munsusan, 문수산, 文殊山).

Đáp lại động thái này của Cao Ly, Mông Cổ lập tức phát động cuộc tấn công thứ hai. Quân Mông Cổ do phản thần Hồng Phúc Nguyên (Hong Bok-won, 홍복원, 洪福源) chỉ huy đã chiếm được phần lớn miền bắc bán đảo Triều Tiên. Quân Mông Cổ cũng đã tiến xa đến nhiều nơi ở phía nam bán đảo nhưng đã thất bại trong nỗ lực chiếm đảo Giang Hoa mặc dù chỉ cách bờ biển vài cây số, đồng thời còn bị đẩy lùi tại Quang Châu (Gwangju, 광주, 光州). Trong chiến dịch này, tướng Mông Cổ Tát Lễ Tháp đã bị nhà sư Kim Doãn Hầu (Kim Yun-Hu, 김윤후, 金允侯) giết chết ngay tại chiến trường trong một trận chống trả ác liệt của dân quân tại Xứ Nhân (Cheoin, 처인, 處仁) gần Long Nhân (Yongin, 용인, 龍仁), buộc quân Mông Cổ phải rút lui một lần nữa.